Đừng làm nghèo tiếng mẹ đẻ

Đừng làm nghèo tiếng mẹ đẻ

Mấy tháng gần đây trên một số báo mạng, khi nói về một nhân vật hay hoàn cảnh nào đó, nhất là phản ánh về thân phận, về cuộc sống của người nghèo, thường có cụm từ “cuộc sống mưu sinh”.

 

Người dùng đã quên rằng cụm từ này thừa một chữ (“sinh” và “sống” là một nghĩa – “mưu sinh” nghĩa đen là “kiếm sống”). Chỉ cần diễn đạt “cuộc mưu sinh” hay “vất vả kiếm sống”, “nhọc nhằn kiếm sống” – tùy ngữ cảnh – là đủ.

 

Hãy gìn giữ sự tinh túy của tiếng Việt. Ảnh có tính minh họa. Nguồn Internet

 

Một số người cũng thường nhầm lẫn hoặc diễn đạt không chính xác. Thay vì viết đúng là “tri hô” thì viết là “truy hô”; “chạy “tán loạn” thì viết là “toán loạn”. Có chỗ viết như sau: “Cặp đôi hẹn nhau đi xem phim và lúc ra về thì bị mẹ L. bắt gặp. Vị phụ huynh này”. Hoặc “chị A., phụ huynh của em C.”… Ngữ cảnh này, cứ viết thẳng “người mẹ này” hoặc “chị A., mẹ của em C.”, vừa đúng vừa hay, khỏi rườm rà mà… sai bét (vì người mẹ đâu phải là “cha, anh”).

Khoảng một vài năm gần đây có hiện tượng lạm phát từ “chia sẻ”. Trong một bài báo, dung lượng từ này chiếm đa số, ai cũng “chia sẻ” cả. Còn trên truyền hình, phát thanh, hễ thấy có nhân vật là thế nào MC cũng có câu hỏi gắn với từ “chia sẻ”, trong lúc có thể dùng nhiều từ khác thay thế, hay hơn và hợp lý hơn.

Ngoài ra, còn có hiện tượng từ ngữ cơ quan nhà nước, từ chuyên môn bị bê nguyên xi, thành ra cứng nhắc, ví dụ “hiện cơ quan chức năng đang xác minh làm rõ”. “Xác minh” nghĩa là làm rõ rồi, chọn một trong hai là đủ. Cũng không nhất thiết phải khư khư dùng từ chuyên ngành kiểm lâm và công an, như “thả hai cá thể vượn bạc má về rừng” hoặc “bắt 2 đối tượng cướp giật”, mà viết “thả hai con vượn bạc má về rừng” hoặc “bắt 2 kẻ cướp giật” thì nhẹ nhàng hơn.

Một cụm từ bị viết sai dễ thấy là “trẻ dưới tuổi vị thành niên” hay “chưa đủ tuổi vị thành niên”. “Vị” nghĩa là “chưa đủ”, “chưa tới”; “vị thành niên” nghĩa là chưa đủ tuổi thành niên, do đó viết như trên là thừa chữ “vị”. Chỉ cần viết “vị thành niên” hoặc “chưa đủ tuổi thành niên” là đúng và đủ nghĩa.

Tiếng Việt ta có nhiều từ Hán – Việt. Do đó, cần hiểu để diễn đạt chính xác. Điều quan trọng nhất là tránh lạm dụng, diễn đạt sai khi không hiểu ngữ nghĩa và tốt nhất là nên tìm cách diễn đạt bằng từ thuần Việt, vừa trong sáng, dễ hiểu lại làm giàu thêm cho tiếng Việt.

Theo NLĐO

Hanh Ngoc
Author: Hanh Ngoc

.

CLB Phụ nữ hiện đại

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.