Phùng Hà: từ đam mê sống xanh đến sáng lập mô hình Thời trang tuần hoàn Urban Circular Space

Phùng Hà: từ đam mê sống xanh đến sáng lập mô hình Thời trang tuần hoàn Urban Circular Space

Các hoạt động chính của Urban Circular Space bao gồm nhận đồ cho tặng, quyên góp các mặt hàng thời trang, bán lại, đổi đồ, cho tặng lại trực tiếp tại cửa hàng hoặc thông qua các nhóm/đoàn từ thiện, và tái chế.

Xu hướng thời trang nhanh hiện nay được sản xuất và phát triển trên toàn thế giới đã khuyến khích tâm lý “dùng một lần”. Ngành công nghiệp thời trang hiện tại không chỉ lãng phí mà còn tham lam khi khai thác và vắt kiệt nguồn tài nguyên cũng như gây ô nhiễm môi trường. Được biết, việc sản xuất các sợi tổng hợp như polyester, nylon và acrylic là một quy trình tiêu tốn nhiều năng lượng, đòi hỏi một lượng lớn nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ và giải phóng khí CO2. Hơn nữa, những loại vải này phân hủy thành vi nhựa gây ô nhiễm đại dương và gây ra mối đe dọa đối với sinh vật biển.

Hiện nay chị Hà Phùng đang sinh sống và làm việc ở Thái Lan

Từ “giải cứu” tủ quần áo đến mô hình kinh doanh tuần hoàn

Ý tưởng xuất phát từ việc nhận thấy tủ quần áo có quá nhiều sản phẩm xinh đẹp, hợp xu hướng và thị hiếu người tiêu dùng nhưng không có đủ thời gian và điều kiện để sử dụng được hết. “Chị cảm thấy quần áo đó thật sự vô cùng lãng phí nếu chỉ để chúng ở trong tủ. Chính vì thế, chị và các đồng nghiệp đã cùng nhau thu gom và sắp xếp để đem bán. Chỉ sau 2 ngày, doanh thu đạt được là 30 triệu đồng. Với một con số vô cùng khổng lồ thời điểm đó đã mở ra trước mắt chị một thị trường đầy tiềm năng”, chị Hà Phùng chia sẻ.

UCS có tầm nhìn trở thành một chuỗi cửa hàng tiện lợi tuần hoàn những sản phẩm secondhand và không sử dụng lớn mạnh ở Việt Nam

Cũng chính tình yêu và niềm đam mê về những vấn đề sống xanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của các cá nhân lên môi trường và xã hội. Đồng thời, mong muốn đóng góp tích cực cho cộng đồng mà mình sinh sống. Chị Phùng Thị Thu Hà (Hà Phùng) đã ấp ủ ý tưởng và sáng lập dự án Urban Circular Space (UCS) vào năm 2020. Đây là một mô hình kinh doanh tuần hoàn tiên phong và thúc đẩy Thời trang tuần hoàn tại Việt Nam, đóng góp vào nhận thức và hành vi của người tiêu dùng về các vấn đề môi trường.

Được biết, mô hình Urban Circular Space giành giải nhất tại Japan Business Model Competition (JBMC – Cuộc thi Mô hình Kinh doanh Nhật Bản) tại tỉnh Niigata năm 2016, Top 10 JBMC toàn Nhật Bản năm 2017 và Top 6 Viet Startup Contest in Japan (Cuộc thi dành cho các Startup Việt tại Nhật Bản) năm 2019. Tháng 1/2020, UCS chính thức được thành lập tại Việt Nam.

Tiên phong cho xu hướng thời trang bền vững

Thuật ngữ “Thời trang tuần hoàn” là một khái niệm đã xuất hiện từ năm 2014, được đón nhận nhiệt tình trong lĩnh vực thời trang, nhưng chưa được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam. Có thể hiểu một cách đơn giản đây là ngành công nghiệp giảm thiểu chất thải và ô nhiễm, thông qua việc tái sử dụng, tái chế, chuyển đổi mục đích sử dụng và kéo dài tuổi thọ của sản phẩm, nhằm loại bỏ mọi tác động tiêu cực đến môi trường.

Dự án UCS thu hút khá nhiều sự quan tâm từ cộng đồng các bạn trẻ

Khi nghiên cứu về lĩnh vực này, chị Hà Phùng cho rằng tốc độ tăng trưởng của thị trường thời trang tuần hoàn nhanh gấp 2-3 lần so với xu hướng thời trang nhanh. Nguyên nhân chính là mọi người dần có nhận thức và quan tâm sâu sắc hơn về các giải pháp “xanh” cho vấn đề môi trường và xã hội, đặc biệt là việc tái sử dụng sản phẩm thời trang.

Chị Hà Phùng chia sẻ rằng mô hình UCS đã được thay đổi cho phù hợp với các nước đang phát triển như Việt Nam. Minh chứng rõ ràng nhất là sự phát triển bền vững của 2 chi nhánh UCS tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Các hoạt động chính của UCS bao gồm nhận đồ cho tặng, quyên góp các mặt hàng thời trang, bán lại, đổi đồ, cho tặng lại trực tiếp tại cửa hàng hoặc thông qua các nhóm/đoàn từ thiện, và tái chế.

Khi nhân tố “con người” quyết định sự thành công của UCS

UCS là một mô hình phi lợi nhuận với chi phí vận hành và quản lý đều do nhóm tự chi trả. Thời gian đầu thành lập, chị Hà Phùng gặp khá nhiều khó khăn trong việc tìm ra những cộng sự đồng hành có cùng chung mong muốn và giá trị. Thách thức lớn nhất và duy nhất chị gặp phải trong thời điểm đó là về nguồn nhân lực và chi phí con người để duy trì mô hình.

UCS có 2 chi nhánh tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh

Sau gần 3 năm thành lập, dự án nhận được khá nhiều sự quan tâm. Tuy nhiên, chị Hà Phùng chia sẻ UCS vẫn chưa có đủ nguồn lực để xin tài trợ hay kêu gọi vốn từ tổ chức nào khác. Ngoài ra, việc hỗ trợ các đối tác mở rộng UCS tại các tỉnh thành hay khu vực khác cũng gặp nhiều trở ngại. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại chị Hà Phùng cảm thấy vô cùng hài lòng vì đã tìm kiếm được đội ngũ nhân sự và quản lý vô cùng tuyệt vời để đảm bảo sự tăng trưởng vững chắc của UCS trong thời gian tới.

Với tầm nhìn phát triển và mở rộng mô hình UCS ra các nước đang phát triển trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Lào,.. hoặc ngoài khu vực. Đồng thời, chị Hà Phùng mong muốn biến UCS trở thành một chuỗi cửa hàng tiện lợi tuần hoàn những sản phẩm secondhand và không sử dụng lớn mạnh ở Việt Nam. Đây sẽ là không gian mà mọi người có thể đến để trao đổi hàng hóa, mua sắm, quyên góp và trao tặng các sản phẩm thời trang.

Không gì là không thể

Hiện nay chị Hà Phùng đang sinh sống và làm việc ở Thái Lan. Ngoài UCS, Chị Hà Phùng hiện đang làm việc cho một cơ quan liên chính phủ chuyên và phát triển thực hành kinh doanh có trách nhiệm, kinh doanh và quyền con người. Trước đây, chị từng làm tại các công ty tư vấn kinh doanh và quan hệ chính phủ tại Việt Nam và Singapore, điều phối viên Ban Thư ký Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) và trợ lý chương trình tại Ngân hàng Thế giới Việt Nam. Chị Hà Phùng có bằng Thạc sĩ Quản lý công và phân tích chính sách của Đại học Quốc tế Nhật Bản và bằng Cử nhân Quản trị Kinh doanh Quốc tế của Đại học Ngoại Thương.

Chính vì luôn sống theo kim chỉ nam “Nothing is Impossible” và “The world has enough for everyone’s needs, but not everyone’s greed.” Nên chị Hà Phùng đã luôn tìm thấy động lực và đam mê để đạt được nhiều thành tựu trong chặng đường phát triển sự nghiệp. Chị cũng chia sẻ rằng “Cuộc sống của chị và bản thân UCS luôn tránh việc lãng phí. Và chị mong muốn có thể lan tỏa nhiều hơn tinh thần tuần hoàn, tiết kiệm và tin tưởng vào xu hướng thời trang bền vững đến với các bạn trẻ”.

Chị cũng gửi gắm đến các bạn trẻ một lời khuyên hữu ích rằng “Không có gì là không thể”, hãy luôn “thử” các cơ hội, chấp nhận thất bại để học hỏi và xây dựng nền tảng trong hành trình tương lai.

#UrbanCircularSpace#UCS#PhungThiThuHa#Thoitrangtuanhoan

Uyen Nhi
Author: Uyen Nhi

CLB Phụ nữ hiện đại

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.