Isak Dinesen với “Bảy truyện kể Gothic”: Những ẩn dụ mê đắm về thực tại

Isak Dinesen với “Bảy truyện kể Gothic”: Những ẩn dụ mê đắm về thực tại

Isak Dinesen (1885 – 1962), nữ nhà văn tài danh người Đan Mạch đã chinh phục thế giới qua tác phẩm “Out of Africa” (Bản tiếng Việt: “Châu Phi Nghìn Trùng” do Hà Thế Giang dịch, NXB Phụ Nữ Việt Nam, 2020) bằng giọng kể tựa hồ những nét khắc họa tinh xảo làm sống dậy mọi thực tại bà chạm tới. Tuy nhiên, tác phẩm thực sự thách thức các độc giả văn chương lại chính là tác phẩm đầu tay của bà “Bảy truyện kể Gothic” (Tên tiếng Anh: Seven Gothic Tales). Sách vừa được xuất bản bởi NXB Phụ Nữ Việt Nam với bản dịch của Nguyễn Tuấn Bình.

Một thế giới Gothic hoàn toàn khác biệt

“Bảy truyện kể Gothic” là sự tái hiện nỗi ám ảnh của bà với bầu không khí cổ kính tại Châu  Âu: nỗi ám ảnh về sự cũ kỹ tăm tối lăn dần về phía vô vọng. Isak Dinesen ký thác toàn bộ tâm tư của mình bằng phong cách văn chương Gothic phổ biến trong thế kỷ 18 và 19 tại Âu Mỹ. Tuy nhiên, Isak Dinesen đã vượt ra khỏi các khuôn mẫu về văn chương Gothic được tạo dựng bởi những tên tuổi lừng lẫy như Charlotte Bronte, Edgar Allan Poe, Baudelaire, Bram Stoker, Mary Shelley… để tạo ra một thế giới Gothic hoàn toàn khác: dị thường, mê đắm, tràn đầy những suy ngẫm triết học về bản chất của thực tại và nhân cách.

Văn chương Gothic hay văn chương Lãng mạn u ám thường có cái muộn sầu, rùng rợn tuyệt vọng điển hình và dẫn dắt độc giả vào tâm trạng tăm tối. Isak Dinesen kể những câu truyện của mình bằng một giọng tưng tửng, sắc lạnh, ngay cả khi khắc họa những gì chết chóc. Với giọng kể ấy, mọi cảnh tượng mà con người ở trong đó đều diễn ra như một vở rối, vâng, không phải là vở kịch, mà là một vở rối. Trong đó, mỗi thao tác hành động của nhân vật đều được đặc tả chậm rãi, cầu kỳ. Và mỗi tình tiết được xây dựng như một màn cảnh ngắn rời rạc, câu chuyện này nối tiếp câu chuyện kia, số phận này liền theo số phận khác. Ngay cả người xem rối cũng chỉ là những con rối bị giật dây. Và trong vở diễn ấy, thấp thoáng lời mụ phù thủy phát biểu như một con người hoặc cũng có thể như một con rối của số phận:

“Đến hồi kết mụ phù thủy lại xuất hiện, và khi được hỏi thế sự thật đích thị là thế nào, mụ đáp: “Sự thật, các con ơi, đó là chúng ta, toàn thể chúng ta, đều đương diễn trong một vở kịch múa rối. Chẳng còn điều gì quan trọng hơn trong vở kịch múa rối ngoài việc tuân thủ trọn vẹn ý đồ của tác giả. Đó là hạnh phúc đích thực của cuộc đời, và lúc này đây ta rốt cuộc cũng tham gia vào một vở múa rối, ta sẽ không bao giờ thoát ra khỏi nó nữa. Mà các ngươi, những người bạn diễn của ta, phải đảm nhiệm cho tròn vai theo ý đồ của tác giả. Đúng vậy, hãy đẩy những ý tưởng đó tới những hệ quả tận cùng.” Lời thoại này khiến chàng đột nhiên thấu tỏ nhiều điều về sự thật. Đúng rồi, chàng nghĩ, nếu đời ta chỉ là vở kịch múa rối, còn ta sắm một vai trong đó và hiểu rõ về nó, chắc có lẽ sẽ thấy cuộc đời vô cùng dễ dàng và ngọt ngào. Con người ở đất nước này dường như, bằng cách nào đó, đều hành động đúng theo lý tưởng này. Bọn họ như thể miễn nhiễm với nỗi khiếp sợ, tội ác và phép màu của cuộc đời này, cuộc đời mà bọn họ tham gia như những diễn viên nhỏ bé trên sân khấu của người diễn viên gạo cội.” (Trang 73, trích truyện ngắn” Những con đường vòng quanh Pisa”)

Các nhân vật trong các truyện ngắn Gothic của Isak Dinesen không có tình trạng nổi loạn nhân cách điển hình trong văn học lãng mạn, tức cá tính và dòng cảm xúc của nhân vật vượt ra khỏi chủ ý của tác giả để hành động theo ý mình. Isak Dinesen hoàn toàn làm chủ mọi phản ứng và cử động của nhân vật trong một trật tự hành động chậm rãi xen lẫn dòng suy nghĩ cuồn cuộn tựa lời thoại trong vở kịch cổ điển.

Văn chương Gothic vốn thuộc trường phái lãng mạn, nhưng bút pháp của Isak Dinesen lại mang sắc màu tả thực với các câu đơn hoặc các câu ngắn, không tô điểm bằng ngôn từ hoa mỹ hay các nhịp văn giàu tính thơ. Giọng viết của bà rất giản đơn, gãy gọn, sắc lạnh – điển hình của chủ nghĩa hiện thực. Độc giả có thể cảm nhận rõ giọng văn này trong bản gốc tiếng Anh, một khí chất mà ngôn ngữ Việt của chúng ta khó có thể biểu hiện được. Tuy nhiên, tính chất giàu hình ảnh và gợi tả của tiếng Việt lại làm nổi trội sắc thái của chủ nghĩa ấn tượng trong bút pháp miêu tả đã tạo nên thực tại Gothic sống động, tinh xảo, biến chuyển đa sắc trong các truyện ngắn của bà – ta có thể thấy thành công này ở bản dịch tiếng Việt của dịch giả Nguyễn Tuấn Bình.

Những câu truyện của Isak Dinesen không bị bó buộc trong các tàn tích hay các tòa nhà cổ theo motif thường thấy của văn chương Gothic. Chúng chuyển dịch liên tục các bối cảnh, tựa như không phải con người chuyển dịch mà bối cảnh đã dịch chuyển và cuốn theo các mảnh đời trong đó. Ví dụ, trong “Những con đường vòng quanh Pisa”, không gian đã chuyển liên tiếp từ phòng gương trong tòa Panoptikon ở Copenhagen với những chuỗi truy vấn đề bản thể của con người, tới sân khấu opera với những cảnh phồn hoa quý tộc, đến con đường nơi vụ tai nạn diễn ra, và đột ngột chuyển tới tửu quán ở Pisa dần dần sang tòa osteria, màn diễn rối dây ở tửu quán, con đường đấu súng, và khép lại trong căn biệt thự của bà bá tước. Các không gian lúc đồng hiện, lúc tuyến tính, mà ở trong đó ký ức lồng ghép với hiện thực, chiêm nghiệm số mệnh lồng ghép với cảnh đời, sự hoài nghi thực tại hòa lẫn với những xúc cảm trần tục.

“Những con đường vòng quanh Pisa” là truyện ngắn quan trọng nhất của toàn bộ tập truyện, điển hình cho thủ pháp, tư tưởng, nguyên mẫu nhân vật và văn phong của Isak Dinesen. Câu chuyện hoàn toàn không chứa đựng các yếu tố rùng rợn hay bi quan, không có các nhân vật điên loạn và tuyệt vọng, mà chỉ có những nhân vật trốn chạy chính mình tới mức vong bản để rồi đi tìm bản thân giữa trùng trùng hình chiếu nhân cách. Isak Dinesen đã đưa văn chương Gothic thoát khỏi lối mòn quẩn quanh chật hẹp của Gothic để tiến vào cuộc đào sâu triết học về bản thể và của những cân nhắc luân lý.

Những người phụ nữ phóng khoáng giật dây số phận

Trong thế giới Gothic, những người phụ nữ luôn là nỗi ám ảnh. Họ nhuốm một vẻ muộn sầu ngây thơ của cái chết khi còn trẻ. Họ là những bóng trắng mờ thinh nhẹ khao khát níu bám đến khổ đau, với những ước ao hạnh phúc bị tan vỡ bởi sự cợt cười của định mệnh, và rồi vất vưởng ám những tàn tích của ký ức không gian. Isak Dinesen bước vào tòa tự sự Gothic với tâm thế hoàn toàn khác. Bà không bị những bóng ma thiếu nữ ám ảnh, ngược lại, những người đàn bà trong “Bảy truyện kể Gothic” đầy quyến rũ, mãnh liệt ham muốn, chẳng hề bận tâm đến các khuôn mẫu phụ nữ bị trói buộc trong lề thói.

Những người phụ nữ trong thế giới Gothic của Isak Dinesen không phải nhân vật chính, cũng không phải người kể chuyện, nhưng là chủ thể nguyên vẹn của toàn bộ diễn biến. Những người đàn ông cùng với dòng suy nghĩ và tự vấn nhân cách của họ xoay quanh sự khiêu gợi của những người đàn bà. Isak Dinesen đã thực hiện một nghịch đảo nữ quyền, thay vì bàn về sự méo mó trong nhân cách của định chế nam quyền ảnh hưởng tới tính nguyên vẹn bản thể của nữ giới, bà đã cho thấy khi đàn ông chạm đến đam mê và tình yêu sâu sắc nhất của phụ nữ, thực tại tâm trí của họ bị rung chuyển và nhân cách nhất quán của họ bỗng thành kính vạn hoa lập thể: “Chỉ có ta trút bỏ vai diễn, khi ta ngồi đó trong thinh lặng, với toàn bộ sức nặng của thế gian lạnh lẽo và trần trụi đè lên mình, hiểu rõ rằng ta nên đáp lời nàng hoặc là ta phải trao nó cho nàng, thậm chí là ngay trong vài giây này.” (Trang 154, trích truyện ngắn “Lão hiệp sĩ”)

Những người phụ nữ qua ngòi bút của Isak Dinesen không hề giữ một vẻ ngây thơ trong trắng của các tiểu thư con nhà lành hay những nữ tu cao khiết. Họ phóng khoáng và quyến rũ, mẫu hình những  người phụ nữ bị ghét trong xã hội phong kiến phương Tây, họ bị coi là những phù thủy quỷ ma mê hoặc loài người. Nhưng giờ đây, họ xuất hiện vẹn nguyên không mảy may bận tâm về đạo đức hay tự vấn về lòng chung thủy, mà sự mê hoặc của họ, cơn cuồng nộ của họ… thoát ra khỏi những bộ váy như thứ nhân cách khác phủ lên họ, và khơi gợi những hoài nghi và khao khát truy tầm bản chất ở mỗi người đàn ông lạc mất chính mình trong các khuôn định quý tộc. Có thể hiểu lý do tại sao “Bảy truyện kể Gothic” từng bị nhận những chỉ trích gay gắt hoặc làm lơ bởi giới phê bình nam giới của Đan Mạch mà lời lẽ cay nghiệt nhất là Frederick Schyberg nhận xét rằng cuốn sách của bà là thứ sách tiêu khiển như thể chúng được viết ra trong các cuộc trác táng. Dẫu vậy, cuốn sách được đón nhận tại Mỹ và giới phê bình Mỹ đầy hứng khởi với những dòng truyện kỳ thú thách thức mọi bộ não với biên độ tượng trưng không giới hạn.

“Bảy truyện kể Gothic” là một tác phẩm văn chương vừa hoàn hảo vừa dị kỳ, và không dễ để hiểu, ngay cả khi ta đã bị thu hút vào thế giới ấy. Tuy nhiên, người dịch đã bổ sung chỉ dẫn bằng cách trích dịch từ cuốn sách “Understanding Isak Dinesen” của Susan Brantly để giúp độc giả tự tin tiến nhập vào thế giới Gothic của bà. Nhà văn Canfield Fisher khi lần đầu đọc “Bảy truyện kể Gothic” của Isak Dinesen đã thốt lên thế này: “Chúng ta đưa ra đủ mọi điều vô nghĩa lý khi gắng  diễn đạt về thứ gì đó – sách vở hay món ăn – khi nó đem tới cho chúng ta cảm giác mới lạ. Nhưng làm sao mà khơi gợi lên ngôn từ diễn đạt bất kỳ cảm giác nào trừ phi người ta đã phải biết đến cảm giác đó rồi! Thôi thì đành phải nói thế này cho phải lẽ: Cứ nếm thử đi, bạn sẽ ngấu nghiến ngay thôi mà!”

Hà Thủy Nguyên

Hà Thủy
Author: Hà Thủy

CLB Phụ nữ hiện đại

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.