Trần Nguyễn Ngọc Nhàn: giúp đỡ người khác và phụng sự cộng đồng là niềm vinh hạnh

Trần Nguyễn Ngọc Nhàn: giúp đỡ người khác và phụng sự cộng đồng là niềm vinh hạnh

Với Trần Nguyễn Ngọc Nhàn, cựu sinh viên ngành Thương mại RMIT Việt Nam, giúp đỡ người khác và phụng sự cộng đồng là niềm vinh hạnh, và cô luôn làm điều đó với nụ cười nở trên môi.

Nhàn đã dành thời gian và nỗ lực để thay đổi cuộc sống của hàng trăm em học sinh dân tộc thiểu số ở vùng Tây Nguyên, thông qua việc cung cấp giáo dục và đào tạo nghề, cũng như giúp xây dựng hệ sinh thái bền vững để các em có thể nuôi sống bản thân và gia đình.

“Tôi luôn xem bản thân là một người may mắn khi có cơ hội tiếp cận với nền giáo dục tốt và được đi nhiều nơi”, Nhàn cho biết. “Thôi thúc đền đáp cho cộng đồng đã đưa tôi đến với một hành trình mà tôi vô cùng biết ơn”.

Bên cạnh việc xây dựng hồ sơ năng lực về phát triển kinh doanh và văn hóa, cũng như phát triển nhân viên và trách nhiệm xã hội khi đi làm cho các doanh nghiệp và tập đoàn, Nhàn còn làm từ thiện rất nhiều nhưng luôn cảm thấy còn thiếu gì đó.

Cô chia sẻ: “Giống như việc bạn đến thăm nơi nào đó một lần, trao tặng quà rồi rời đi. Không có gì thay đổi, không có gì xảy ra”.

Lấy triết lý “cho cần câu, đừng cho con cá” làm đầu, Nhàn và bạn của mình đã đồng sáng lập nên I AM IN Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận nhằm xây dựng kỹ năng và trao công cụ cho những người có nhu cầu nhằm tạo ra tác động lâu dài.

“Và chúng tôi làm bằng cả tấm lòng”, Nhàn chia sẻ.

Từng chút, từng chút một, nhóm thiện nguyện nhỏ gồm bốn thành viên chủ chốt của cô đã thực hiện triết lý trên thông qua việc nâng cao tri thức dựa trên kiến thức hiện có tại địa phương, thực hiện phân tích, hợp tác với các tổ chức và chuyên gia để đảm bảo kết quả dự án các bạn thực hiện khớp với nhu cầu của các mái ấm và trẻ em mà các bạn đang giúp đỡ.

“Chúng tôi đã phát triển mối quan hệ với hai nhà – Nhà lưu trú Teresa và Mái ấm Vinh Sơn ở Đắc Lắc và Kontum thuộc khu vực Tây Nguyên”.

“Với sự hỗ trợ của cộng đồng, chúng tôi đã thực hiện nhiều dự án khác nhau, từ canh tác đến làm vườn hữu cơ, đầu tư mua sắm nhạc cụ và xây dựng cầu, cung cấp giáo dục và đào tạo kỹ năng sống cho trẻ em ở các mái ấm, cũng như cải thiện tình hình tài chính cho những nơi đó”.

“Mười lăm năm trôi qua trong chớp mắt. Ngày mới tốt nghiệp RMIT, tôi đã học cách tự khởi tạo và vận hành tổ chức phi lợi nhuận riêng từ chương trình Trách nhiệm xã hội của công ty đầu tiên tôi làm việc. Tôi cảm giác như mọi việc mới diễn ra hôm qua”, Nhàn nhớ lại.

Nhìn lũ trẻ cảm kích từng thứ nho nhỏ mà các em được trao tặng khiến Nhàn càng cảm thấy biết ơn với những gì cô có trong đời.

“Đó không chỉ đơn giản là những kỹ năng và chương trình đào tạo mà chúng tôi đem đến, mà còn là tác động mà chúng tôi tạo ra trong suy nghĩ của hàng trăm em nhỏ, cho các em thấy có nhiều cách khác nhau để duy trì và hỗ trợ gia đình cũng như tự nuôi sống bản thân.”

“Tôi cực kỳ biết ơn khi được phụng sự cộng đồng theo một cách đầy ý nghĩa như vậy”.

Tuong Vy
Author: Tuong Vy

CLB Phụ nữ hiện đại

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.