Ngành học Bảo dưỡng công nghiệp giàu tiềm năng

Ngành học Bảo dưỡng công nghiệp giàu tiềm năng
Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng ngành Bảo dưỡng công nghiệp đang ngày càng tăng cao.
Cơ hội việc làm của kỹ sư bảo dưỡng công nghiệp là rất khả quan. Ảnh: Nguyễn Dũng

Cơ hội việc làm của kỹ sư bảo dưỡng công nghiệp là rất khả quan. Ảnh: Nguyễn Dũng

Các nhà máy sản xuất lớn hay nhỏ đều phải duy trì một đội ngũ bảo trì. Đây cũng chính là ngành giàu tiềm năng phát triển và nhận được nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ trong những kỳ tuyển sinh gần đây.

Ngành học mới

Ngành Bảo dưỡng công nghiệp là ngành còn khá mới mẻ tại nước ta nên số lượng trường đại học tuyển sinh và đào tạo hiện nay còn rất hạn chế. Ngành này chủ yếu được đào tạo ở hệ cao đẳng.

Một số cơ sở đào tạo chỉ ra rằng, để có thể theo học ngành này, người học cần có những tố chất cụ thể như có sức khỏe tốt, có khả năng chịu áp lực công việc, ham học hỏi và tìm hiểu, yêu thích máy móc và công nghệ máy, có tư duy sáng tạo và tư duy logic, thích thú và ham tìm hiểu các lĩnh vực điện, điện tử, cơ khí… và sau cùng là khả năng làm việc độc lập.

Phòng Đảm bảo chất lượng và Khảo thí, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên cho biết, sinh viên học ngành Bảo dưỡng công nghệp được trang bị các kiến thức, kĩ năng như: Thiết kế cơ khí, Chẩn đoán kĩ thuật, Quản lí bảo trì, Kĩ năng lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa các hệ thống trong máy công cụ, Kĩ năng giao tiếp, làm việc nhóm, lập kế hoạch… Đặc biệt, được thực tập tại xưởng trường và thực tập tại doanh nghiệp lớn như Hòa Phát, SIGMA, UMC…

Tổng hợp của Ban tư vấn tuyển sinh Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn chỉ ra rằng người kỹ sư tốt nghiệp ngành Bảo dưỡng công nghiệp với kiến thức chuyên môn cao có thể giải quyết được các vấn đề phức tạp trong bảo trì bảo dưỡng nhằm duy trì sản xuất liên tục, chất lượng đảm bảo. Các nhà máy sản xuất lớn hay nhỏ hiện nay đều có một đội ngũ bảo trì, vì vậy có thể thấy rằng cơ hội việc làm của bảo dưỡng công nghiệp là khá cao.

Sinh viên học ngành này có thể làm việc ở các vị trí như: Khảo sát, đo lường các thiết bị chức năng trong nhà máy, ghi nhận tình trạng hoạt động của máy móc thiết bị, thực hiện việc bảo dưỡng các thiết bị máy, quản lý dây chuyền sản xuất, dụng cụ, thực hiện các thao tác kỹ thuật bảo dưỡng các thiết bị.

PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM), thông tin, các công việc thực tế sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhận là bảo dưỡng dây chuyền công nghiệp, kỹ sư cơ điện quản lý công tác lắp đặt, điều chỉnh, sửa chữa máy móc, nhà xưởng, phòng lạnh, phòng sạch, kỹ sư thành viên nhóm thiết kế, đảm bảo thiết kế đáp ứng khả năng bảo dưỡng, an toàn, trưởng ca sản xuất, chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp về năng suất lao động, đảm bảo chất lượng sản phẩm và những vấn đề liên quan đến nhân sự trong một ca sản xuất của doanh nghiệp…

Được biết, hiện có nhiều doanh nghiệp đã và đang có quan hệ hợp tác, thường xuyên tuyển dụng cử nhân, kỹ sư ngành này của các trường đại học, cao đẳng. Tiêu biểu có thể kể đến Big C, Unilever, Colgate-Palmolive, Vinamilk, Dutch Lady, Bosch, Xi măng Hà Tiên, InSee (Holcim Vietnam), Cao su Sài Gòn, Kim Đan, SKF, NTN, NSK, Camso Vietnam, Schaeffler Vietnam…

Ngành học Bảo dưỡng công nghiệp giàu tiềm năng ảnh 1

Ảnh minh họa ITN.

Giàu tiềm năng

Hiện đang có rất nhiều dự án với những tên tuổi hàng đầu thế giới như Intel, Foxconn, LG, Samsung, Honda… đầu tư các dây chuyền sản xuất lên đến hàng trăm triệu USD ở nước ta. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng bắt đầu chuyển hướng sang sản xuất công nghiệp với quy mô lớn như tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast của Tập đoàn Vingroup hay Tập đoàn điện tử Asanzo.

Những nhà máy lớn, số lượng máy móc thiết bị nhiều thì lượng thiết bị, máy móc bị hư theo thời gian là khá nhiều, chi phí để sửa chữa và thay thế thiết bị cũng rất lớn. Việc thay thế thiết bị hoặc sửa chữa cũng làm gián đoạn quá trình sản xuất, gây thêm các tổn thất cho doanh nghiệp do hệ thống tạm ngừng hoạt động. Một trong những giải pháp đã áp dụng hiệu quả chính là áp dụng các chế độ bảo dưỡng công nghiệp thường xuyên.

Từ thực tế trên, các chuyên gia nhận định, việc sở hữu một đội ngũ kỹ sư bảo dưỡng công nghiệp có trình độ cao ngày càng trở nên cấp thiết. Tiềm năng của ngành là rất lớn và nhu cầu sẽ luôn ổn định, thậm chí còn tăng mạnh hơn nữa trong tương lai.

Theo TS Lê Chí Thông, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM), việc đảm bảo cho cả hệ thống máy móc vận hành ổn định, liên tục và đảm bảo chất lượng, độ tin cậy là nhiệm vụ chính yếu của những kỹ sư ngành Bảo dưỡng công nghiệp.

Không chỉ gói gọn trong việc sửa chữa và thay thế máy móc ở các phân xưởng sản xuất, bảo dưỡng công nghiệp hiện đại là cả một quy trình đo đạc, theo dõi, tính toán, lập cơ sở dữ liệu, lên kế hoạch và cuối cùng là sữa chữa, thay thế thiết bị một cách khoa học và có tính toán chặt chẽ.

Hiện tại vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể về mức lương của ngành Bảo dưỡng công nghiệp. Tuy nhiên, đối với những bạn sinh viên mới ra trường có thể nhận được mức lương từ 7 – 10 triệu đồng/tháng và mức lương này sẽ tăng lên theo năng lực, kinh nghiệm cũng như vị trí làm việc của mỗi cá nhân.

Nhiều nhà tuyển dụng đánh giá, các bạn trẻ yêu thích ngành kỹ thuật, đam mê tìm hiểu máy móc, cơ khí, điện – điện tử, điều khiển tự động… có tính cách cẩn thận, tỉ mỉ, khả năng tập trung cao độ và tinh thần trách nhiệm cao sẽ rất phù hợp để trở thành những kỹ sư bảo dưỡng công nghiệp hàng đầu. Còn những người có khả năng sắp xếp, tổ chức công việc tốt cũng được đánh giá là sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến lên các vị trí quản lý cấp cao của doanh nghiệp trong tương lai.

 

Nguồn ; https://giaoducthoidai.vn/nganh-hoc-bao-duong-cong-nghiep-giau-tiem-nang-post635621.html

Thy Quỳnh
Author: Thy Quỳnh

CLB Phụ nữ hiện đại

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.