Á quân Sao Mai Đinh Trang: “Hơn 10 năm lập nghiệp ở Hà Nội, tôi vẫn ở nhà thuê, đi xe máy”

Á quân Sao Mai Đinh Trang: “Hơn 10 năm lập nghiệp ở Hà Nội, tôi vẫn ở nhà thuê, đi xe máy”

Giải nhì Sao Mai 2013 dòng thính phòng Đinh Trang kể lại, chị từng bị cô giáo Thu Lan (Học viện Âm nhạc Quốc gia) từ chối, không nhận dạy học và “đuổi về quê” vì mới chỉ học đến lớp 11.

Chào Đinh Trang, chị có thể kể cho khán giả nghe về con đường đến với âm nhạc của mình?

Năm 2005, Đinh Trang cùng nhà thơ Phạm Tiến Duật đến gặp cô Thu Lan ở Học viện Âm nhạc Quốc gia. Lúc ấy tôi bé lắm, chỉ nặng khoảng 40 kg và còn đang học lớp 11. Cô giáo Thu Lan đã từ chối dạy và bảo tôi hãy về quê, hoàn thành chương trình học phổ thông rồi hãy lên gặp cô.

3 năm sau, khi tôi đã tốt nghiệp phổ thông và hoàn thành chương trình cao đẳng âm nhạc tại Nghệ An, tôi mới gặp lại cô giáo Thu Lan. Đây cũng là bước ngoặt của tôi. Năm 2013, tôi giành giải nhì dòng nhạc Thình phòng của giải Sao Mai. Tôi bắt đầu ca hát với nhiều bỡ ngỡ và cũng đã chập chững bước trên con đường âm nhạc dài rộng. Mong rằng, khán giả luôn ủng hộ tôi.

Ngôi sao - Á quân Sao Mai Đinh Trang: 'Hơn 10 năm lập nghiệp ở Hà Nội, tôi vẫn ở nhà thuê, đi xe máy'
Á quân Sao Mai Đinh Trang đi theo dòng nhạc thính phòng “kén người nghe”.

Vì sao chị lại chọn dòng nhạc Thính phòng kén người nghe này?

Tôi là một người sinh ra và lớn lên ở mảnh đất của những câu hò, điệu ví xứ Nghệ. Chất dân gian xứ Nghệ đã là máu thịt của tôi. Với Đinh Trang, âm nhạc thính phòng là một thánh đường nghệ thuật đúng nghĩa. Mục đích cuộc sống của tôi không phải là kiếm nhiều tiền, là hưởng thụ và thỏa mãn bản thân ở khía cạnh vật chất. Điều làm tôi cảm thấy thoải mái, đủ đầy, tràn trề năng lượng và thực sự hạnh phúc là được tiếp thu và được dấn thân vào dòng nhạc cổ điển, được khám phá, được chinh phục nó.

Là một người có sắc vóc, giọng hát, chắc hẳn chị cũng từng được nhiều đại gia, mạnh thường quân giúp đỡ?

Hồi thi vào vòng chung kết Sao Mai khu vực miền Trung Tây Nguyên, tôi đã nhận được một vài lời gợi ý rằng: “anh có thể giúp em đi tiếp”. Tuy nhiên, tôi đã thẳng thắn từ chối và muốn tự nỗ lực bằng khả năng của chính mình để xem có đủ sức đứng trước công chúng hay không.

Vào năm 2011, tôi cũng đã không đi du học ở Nga. Tôi dành thời gian cho việc cọ xát với sân khấu biểu diễn chuyên nghiệp, tìm kiếm cơ hội để giọng hát của mình được mọi người biết đến nhiều hơn. Đó cũng là lý do tôi ghi danh dự thi sân chơi Sao Mai vào năm 2013. Tôi quan niệm: Hạnh phúc nhất vẫn là tự mình bước đến và nỗ lực chạm tới, có như vậy thì mọi ước mơ hay dự định nếu thực hiện được mới thực sự có ý nghĩa.

Từ chối đại gia, từ chối đi du học để ở lại Việt Nam ca hát, vậy thu nhập từ nghề của chị chắc cũng rất cao?

Hơn 10 năm ra Hà Nội học tập và lập nghiệp, nếu xét về vật chất thì tôi gần như chưa có gì trong tay, tôi vẫn đang ở nhà thuê, đi lại bằng xe máy. Nhưng tôi luôn cảm thấy vui vì được làm việc mình thích. Tiền bạc thì không biết thế nào là đủ, điều tôi cảm thấy cuộc sống ý nghĩa là mình được sống với đam mê và truyền được đam mê cho người khác. Có lần tôi nhận được tin nhắn của một bác đã cao tuổi rằng sáng nào bác cũng nghe tôi hát để được tiếp thêm năng lượng. Hay có bạn sinh viên nghe tôi hát nhiều đến nỗi có thể bắt lỗi được cả những chi tiết nhỏ nhất trong từng hơi thở của tôi. Những điều ấy thật giản dị nhưng lại mang đến cho tôi niềm hạnh phúc.

Từ nhỏ, ba của tôi đã dạy các con luôn phải sống đàng hoàng, tự trọng và tôi luôn tâm niệm điều đó. Với Đinh Trang, khó khăn vất vả cũng là một may mắn, bởi chính trong những lúc khó khăn nhất tôi càng nỗ lực bật lên mạnh mẽ, phát huy được khả năng thực sự của mình.

Ngôi sao - Á quân Sao Mai Đinh Trang: 'Hơn 10 năm lập nghiệp ở Hà Nội, tôi vẫn ở nhà thuê, đi xe máy' (Hình 2).
Đinh Trang chia sẻ, sau 10 năm lập nghiệp ở Hà Nội, cô vẫn ở nhà thuê, đi xe máy.

Ngôi sao - Á quân Sao Mai Đinh Trang: 'Hơn 10 năm lập nghiệp ở Hà Nội, tôi vẫn ở nhà thuê, đi xe máy' (Hình 3).
Cô từng từ chối đại gia vì muốn tự đi trên đôi chân của mình.

Tôi hỏi thật nhé, chị có bao giờ thấy mất niềm tin vào dòng nhạc rất kén người nghe này không?

Chưa bao giờ, cho dù kén người nghe, thì các ca sĩ thính phòng cũng có lượng khán giả riêng. Tôi cũng từng hoang mang khi những nghệ sĩ lao động nghiêm túc, chân chính lại không được ghi nhận xứng đáng. Nhưng rồi tôi nghĩ rằng, âm nhạc đích thực luôn được nhìn nhận đúng giá trị khi có những “fan ruột” đáng quý trọng.

Tôi rất bất ngờ khi biết các bạn trẻ trong nhiều trường đại học như Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia… có CLB nhạc cổ điển. Trong các buổi sinh hoạt, họ mở những âm thanh của chúng tôi để nghe, cảm nhận và bàn luận. Có những bạn phân tích giọng hát của tôi như một chuyên gia thanh nhạc, từ việc tôi sở hữu chất giọng sáng bừng, âm thanh lên cao lồng lộng như thế nào, rồi hơi thở của tôi sử dụng ra sao, cách tôi xử lý từng quãng giọng… Đó là những tín hiệu đáng mừng đấy chứ.

Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!

Nguồn: nguoiduatin.vn

https://www.nguoiduatin.vn/a-quan-sao-mai-dinh-trang-hon-10-nam-lap-nghiep-o-ha-noi-toi-van-o-nha-thue-di-xe-may-a447266.html

Hanh Ngoc
Author: Hanh Ngoc

.

CLB Phụ nữ hiện đại