Hạnh phúc là gì? – Làm gì để có hạnh phúc?

Hạnh phúc là gì? – Làm gì để có hạnh phúc?

Nếu đi tìm định nghĩa “Hạnh phúc là gì?”, mỗi người sẽ có một định nghĩa khác nhau, ví dụ như là sự trải nghiệm hài lòng, là cảm xúc tích cực, là khoái cảm các giác quan, là niềm vui khi hữu ích cho người khác, là sự thoải mái cả thể chất – tinh thần… Có thể là một hoặc là tất cả, tuỳ thuộc vào mỗi cá nhân ở những điều kiện sống khác nhau, trong những khoảnh khắc hoặc hoàn cảnh môi trường khác nhau… Và dưới góc nhìn y học, Hạnh phúc là gì? Làm gì để có Hạnh phúc?

Trên thực tế, cuộc sống muôn hình vạn trạng với cơm áo gạo tiền, đôi khi người ta lướt đi không hề ý thức về sự thụ hưởng cuộc sống, làm sao nhận ra hạnh phúc là gì? Đến một lúc nào đó, khi có ai hỏi hoặc khi buộc phải nghĩ suy, như trong một cơn bạo bệnh, một tai nạn phải nằm dưỡng bệnh dài ngày, mất người thân… lúc đó ta sẽ tự vấn về hạnh phúc – về chất lượng cuộc sống trong mỗi chúng ta.

Để đánh giá chúng ta có hạnh phúc hay không, các nhà khoa học đã nghiên cứu và đưa ra bảy chỉ số đánh giá hạnh phúc, bao gồm: Cảm xúc, Thể chất, Nghề nghiệp, Xã hội, Trí tuệ, Môi trường và Tinh thần. Trong đó, thể chất khỏe mạnh là một trong những chỉ số hạnh phúc quan trọng nhất và một cuộc sống khỏe mạnh và trường thọ có mối liên quan cao với chỉ số hạnh phúc. Như vậy, làm thế nào để có được sức khoẻ? Đó là ta phải biết phòng bệnh và được chữa bệnh.

Y học đã chứng minh rằng, khi con người làm một việc tốt, được khen ngợi, não sẽ sản xuất ra serotonin, hormone giúp ta có cảm giác lâng lâng hạnh phúc, giúp ta phấn chấn muốn bắt tay vào làm việc, thậm chí là làm thêm dự án khác. Serotonin đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng tâm trạng của con người.

Một hormone hạnh phúc khác có thể kể đến là endorphin. Thông thường, sau khoảng 30 phút tập luyện, tuần hoàn máu tăng lưu thông và cơ thể sản xuất ra endorphin có tác dụng ngăn chặn cơn đau và xoa dịu cảm giác khó chịu. Chất này giúp ta củng cố thể lực và cảm thấy tràn đầy năng lượng, duy trì sự hài lòng để có được hạnh phúc.

Trong cuộc sống, chúng ta thường tự đặt cho mình nhiều mục tiêu. Sau suốt quá trình nỗ lực để đạt được các mục tiêu, sự thoả mãn và hài lòng về bản thân sẽ tạo nên niềm vui to lớn. Cảm giác hạnh phúc đó có được là do cơ thể sản xuất ra dopamine, một hormone mang lại niềm vui và cảm giác hài lòng.

 

Bên cạnh đó, trong chính cuộc sống của mình, sự quan tâm đến nhau, những bắt tay, những ôm hôn trìu mến hàng ngày… đều giúp cơ thể sản xuất ra oxytocin – một loại hormone mà não sẽ tự động sản sinh bất cứ khi nào ta thực hiện cử chỉ âu yếm, ôm ấp và các tương tác gần gũi khác. Vì vậy, oxytocin còn được gọi là hormone của sự yêu thương.

Hành vi, thái độ sống của chúng ta đều có tác động đến người chung quanh và ngược lại cho chính bản thân chúng ta. Sự niềm nở trong tiếp xúc, lời ngợi khen đúng lúc, ánh nhìn thân thiện tin cậy, cử chỉ âu yếm vuốt tóc đứa con, hoặc cái siết tay bè bạn… sẽ giúp cơ thể sản xuất ra serotonin và oxytocin. Hai loại hormone này khi kết hợp cùng nhau sẽ cho con người cảm giác được sống trong một mối quan hệ đầy yêu thương và tin cậy, đưa họ đến một trạng thái hạnh phúc tột độ và hình thành sự đồng cảm cũng như gắn kết sâu sắc giữa hai phía.

Nhưng hơn hết, việc tập luyện thể lực cùng các hoạt động khác còn giúp cơ thể ta còn sản xuất một loại hormone nữa đó là melantonin lúc đêm về cho ta giấc ngủ bình yên sâu lắng. Nhờ giấc ngủ này mà ta có một ngày mới tràn đầy năng lượng và sự thoải mái giúp ta tiếp tục thực hiện và hoàn thành các mục tiêu.

Đó là các diễn giải mang tính y học về cội nguồn của hạnh phúc. Tuy nhiên, ngay từ trước khi có những minh chứng khoa học, kinh nghiệm sống của loài người đã từng bước khẳng định hạnh phúc là một quá trình, chứ không phải là đích đến, cuộc sống là cho đi và nhận lại, triết lý cao vời này không dễ có được nếu như ta không rèn luyện. Khi sinh ra, tâm hồn ta trong sáng lành mạnh như trang giấy trắng, ở đó sự giáo dục của gia đình – trường học – xã hội tác động lên nhu cầu và sự phát triển thể chất chúng ta, hình thành nên nhân cách mà nhân sinh hay nói rằng “Tính cách tạo nên số phận”. Chính cách sống, hành vi và thái độ trong đối nhân xử thế sẽ góp phần quyết định tạo nên hạnh phúc cho mỗi người. Phòng bệnh và chữa bệnh cũng nằm không ngoài phạm trù này.

Chúng ta cũng biết rằng, gần 2/3  bệnh tật trên đời này có thể phòng được bằng điều chỉnh lối sống, duy trì chế độ ăn uống – làm việc và luyện tập điều độ. Điều trị khi có bệnh cũng vậy, bên cạnh việc điều trị trúng đích, trúng mục tiêu, sự hiểu biết về bệnh tật để có hành vi – thái độ tích cực sẽ góp phần điều trị hiệu quả hơn, dứt điểm nhanh hơn. Hiểu biết bệnh tật là nhờ vào sách vở, thầy thuốc, nhưng để quan tâm đến sức khoẻ, phải chịu khó lắng nghe tiếng nói của sức khoẻ bản thân bằng việc lưu ý các dấu hiệu khó chịu dù thoáng qua như “Sao hôm nay đi tiểu ít quá ?, Sao màu nước tiểu sậm quá?, Sao thấy uể oải trong người?, Sao ăn không thấy ngon? Sao thấy mũi không nghe được mùi?, Sao khi kỳ cọ thấy có cục cứng trong vú…? Những dấu hỏi này chúng ta có thể bỏ qua mà không để ý xem chúng có còn xuất hiện, hay có dấu hiệu nào khác đi kèm.  Thời gian trôi qua, vài tháng sau lại thấy xuất hiện và đến một ngày những triệu chứng khác dồn dập cụ thể hơn… mới chịu đi khám bệnh, lúc bấy giờ sẽ phải chữa bệnh chứ không còn là phòng bệnh.

Một trong những phương pháp phòng bệnh tích cực là lắng nghe cơ thể. Lắng nghe cơ thể, đồng nghĩa với quan tâm đến bản thân nhiều hơn, qua đó lan toả tác động đến người thân, gia đình, xã hội. Đây là một trong những cách cho ta niềm hạnh phúc. Mỗi sáng thức dậy, ta cho phép mình nán lại trên giường ba đến năm phút, để xoay trở – uốn vặn người trên chăn nệm êm ấm đêm qua. Ta mở mắt hít sâu đồng thời dùng bàn tay xoa nhẹ mặt mũi và làm như chiếc lược cào nhẹ đầu chân tóc để tác động liền đến não bộ đến tuyến yên – là nhạc trưởng của hệ nội tiết trong cơ thể. Ta ngồi dậy trên giường, vươn vai, rút duỗi tay chân, cúi ngửa thân mình, xoay đầu mặt cổ, trước khi bước xuống giường làm vệ sinh buổi sáng. Những động tác này đánh thức mọi giác quan và vận động, các khớp được khởi động nhẹ nhàng và hơn nữa, tác động đánh thức hoạt động hệ nội tiết, giải phóng ra những hormon, giúp cho chúng ta khởi đầu một ngày hạnh phúc.

PGS. TS. BS Nguyễn Thị Bay

Nguyên Trưởng bộ môn Bệnh học

Khoa Y học cổ truyền, ĐH Y dược TP. HCM

Theo Tạp chí Sức Khỏe

Hạnh phúc là gì? – Làm gì để có hạnh phúc?

Thy Quỳnh
Author: Thy Quỳnh

CLB Phụ nữ hiện đại

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.