Nhân Ngày người khuyết tật Việt Nam 18/4: giải pháp để tạo môi trường làm việc thân thiện với người khuyết tật

Nhân Ngày người khuyết tật Việt Nam 18/4: giải pháp để tạo môi trường làm việc thân thiện với người khuyết tật

Tại cuộc thi Thiết kế tạo điều kiện tiếp cận cho tất cả mọi người do Đại học RMIT tổ chức mới đây, các học giả đã đưa ra những giải pháp giúp kiến tạo môi trường làm việc thân thiện với người khuyết tật.

Suốt thời gian diễn ra cuộc thi, sinh viên, đối tác doanh nghiệp với các chuyên gia trong lĩnh vực học thuật đã nghiên cứu và trao đổi những rào cản tiếp cận việc làm đối với người khuyết tật.

Cô Carol Witney, Quản lý dịch vụ bình đẳng giáo dục tại RMIT, đã đúc kết một số giải pháp có tính ứng dụng cao từ cuộc thi để kiến tạo nên môi trường làm việc bình đẳng cho người khuyết tật.

Công nghệ hỗ trợ

Hầu hết những công việc hiện đại đều yêu cầu sử dụng máy tính và công nghệ. Việc đầu tư vào công nghệ hỗ trợ, các ứng dụng và công cụ trực tuyến có thể hỗ trợ nhân viên khuyết tật hoàn thành trách nhiệm công việc mà không gặp trở ngại. Một số công cụ công nghệ hỗ trợ phổ biến gồm bàn phím mã màu, màn hình chữ nổi có thể làm mới, phần mềm đọc màn hình chuyên dụng, thiết bị hỗ trợ nghe, ứng dụng nhận dạng giọng nói và ngôn ngữ ký hiệu, và trình duyệt cung cấp giao diện thân thiện có thể tùy chỉnh. Do các công nghệ hỗ trợ sẽ tối ưu nhất khi nhân viên khuyết tật được huấn luyện sử dụng, nên việc đào tạo là một phần quan trọng trong hành trình nhập môn dành cho nhân viên khuyết tật mới. Bên cạnh đó, việc các tổ chức cung cấp đào tạo nội bộ nhằm nâng cao hiểu biết về khuyết tật dành cho nhân viên ở mọi cấp bậc cũng rất quan trọng.

Hỗ trợ bên ngoài

Các công ty nên cân nhắc hợp tác với những tổ chức phi lợi nhuận và cơ quan chính phủ có định hướng phát triển môi trường làm việc hoà nhập, để tổ chức những buổi hội thảo và sáng kiến nâng cao nhận thức. Điều này không chỉ thu hút nhân viên tham gia và nâng cao tinh thần của họ, mà còn giúp mang lại những góc nhìn mới mẻ trong tiếp cận vấn đề này. Bên cạnh đó, các tổ chức cũng có thể hợp tác với những tổ chức dành cho người khuyết tật tại địa phương và các nhóm tự lực để có thông tin về phương pháp tiếp cận và thực tiễn của các công ty khác.

Nơi làm việc dễ tiếp cận

Bãi đậu xe thân thiện với người khuyết tật, lối vào dành cho xe lăn, đường dốc ở lối vào và lối ra các tòa nhà và nhà ăn, hành lang rộng và bàn làm việc dễ tiếp cận, các nút bấm vận hành thân thiện với người khuyết tật, chữ nổi trong thang máy, và phòng vệ sinh riêng cho người khuyết tật là một số yêu cầu căn bản để tạo nên một nơi làm việc thân thiện. Phòng họp và các khu vực ra vào chung khác cũng cần được quan tâm đặc biệt và tạo điều kiện cho tất cả nhân viên khuyết tật có thể tiếp cận được. Bên cạnh đó, các công ty nên đảm bảo rằng nhân viên khuyết tật có thể truy cập trang web và tiếp cận các tài liệu truyền thông khác. Chẳng hạn như tại RMIT, nhà trường có Bộ hướng dẫn ngôn ngữ hòa nhập, gồm các nguyên tắc chung về giao tiếp hòa nhập, ví dụ và hướng dẫn cụ thể để giao tiếp với một số nhóm khuyết tật chính.

Các bộ phận cơ thể thay thế có thể giúp người khuyết tật vận động và cải thiện cuộc sống

Đánh giá đúng mực và công bằng

Một yếu tố quan trọng khác để cải thiện tính hòa nhập nơi làm việc là không thành kiến khi giao tiếp với nhân viên khuyết tật. Nếu cấp quản lý có xu hướng thể hiện sự khoan dung với nhân viên khuyết tật trong quá trình đánh giá, sẽ có thể ảnh hưởng đến khả năng phát hiện nhược điểm và cải thiện hiệu suất của họ. Đánh giá đúng mực có thể giúp nhân viên khuyết tật cảm thấy có trách nhiệm với công việc của mình như những nhân viên khác. Điểm này cũng cho thấy rõ ràng rằng quản lý cấp cao và cấp quản lý cần được đào tạo để lãnh đạo và cố vấn toàn diện cho nhân viên khuyết tật. Lãnh đạo có thể cần phát triển và hiểu những phong cách giao tiếp giúp họ tương tác với nhân viên khuyết tật tốt hơn, bao gồm cả việc tham gia các khóa đào tạo và hội thảo về quản lý để đạt kết quả như mong đợi.

Cuộc thi Thiết kế tạo điều kiện tiếp cận cho tất cả mọi người của Đại học RMIT đã kết nối đối tác doanh nghiệp, chuyên gia và sinh viên đến cùng tháo gỡ những rào cản tiếp cận việc làm đối với người khuyết tật.

Sức khỏe thể chất và tinh thần của nhân viên

Sức khỏe thể chất và tinh thần của nhân viên cần được ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là tại những môi trường làm việc bình đẳng. Những trò chơi, hoạt động thể chất, hay các hình thức giải trí khác nên được khuyến khích tại công ty. Phòng thể thao, phòng thư giãn và thậm chí cả khoang ngủ đang dần trở nên phổ biến tại nơi làm việc. Một lựa chọn khác mà các công ty có thể xem xét là đưa gia đình và người chăm sóc nhân viên khuyết tật đến tham gia những sáng kiến giúp nâng cao nhận thức và các buổi đào tạo trước khi tuyển dụng cùng họ. Điều này giúp nhân viên khuyết tật làm quen với vai trò mới dễ dàng hơn.

“Môi trường làm việc hòa nhập và đa dạng có thể tăng hiệu quả, cải thiện tinh thần nhân viên, gây dựng hình ảnh thương hiệu tốt hơn, và giúp công ty đóng góp vào sự phát triển xã hội”, cô Witney nói. “Đây là điều mọi công ty đều có thể phấn đấu và đạt được thông qua những sáng kiến và hành động thiết thực”.

 

Minh Duy
Author: Minh Duy

CLB Phụ nữ hiện đại

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.